Nguồn gốc và ý nghĩa ngày tết nguyên đán Việt Nam

Nguồn gốc và ý nghĩa ngày tết Nguyên Đán Việt Nam

Tết là thời khắc giao thoa của năm mới và năm cũ, là thời điểm kết thúc một chu trình cũ và bắt đầu cho một chu trình mới của vạn vật. Tết là ngày lễ cực kỳ có ý nghĩa đối với chúng ta, là dịp để mọi người hướng về cội nguồn, quây quần sum họp bên gia đình, trao gửi nhau những câu chúc năm mới hay nhất, là ngày lễ của tình thân.

Đã qua vô vàn cái Tết nhưng phải chăng có nhiều người vẫn thắc mắc về nguồn gốc của Tết Nguyên Đán và ý nghĩa của nó? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp phần nào về nguồn gốc và ý nghĩa ngày Tết Nguyên Đán.

Nguồn gốc của ngày Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền) là dịp lên quan trọng nhất của Việt Nam, cùng với văn hóa của các nước Đông Á. Trước khi ngày Tết diễn ra, thường có một số ngày khác cũng quan trọng không kém để sửa soạn như "Cúng ông Táo" vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch và ăn "Tất niên" vào ngày 29 tháng Chạp âm lịch.

Tết được tính theo lịch âm nên thường diễn ra muộn hơn so với lịch dương của các nước phương Tây. Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của lịch âm nên ngày đầu năm của Tết không bao giờ trước ngày 21 tháng 1 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 Dương lịch, mà thường rơi vào khoảng những ngày cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch. Toàn bộ dịp Tết Nguyên Đán thường kéo dài từ 23 tháng Chạp của năm cũ đến mồng 7 tháng Giêng của năm mới.

Hoa đào ngày Tết

Hoa đào ngày Tết

Tết Nguyên Đán được cho là có từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế. Một vài nghiên cứu cho rằng trên lãnh thổ Trung Quốc thời cổ đại có hai tộc người sinh sống là người Hán phương bắc và người Bách Việt phương nam. Do đặc điểm địa hình và thời tiết nên sơ khai của người Hán là chăn nuôi du mục còn người Bách Việt là trồng lúa nước. Do vậy, Tết là lễ hội nông nghiệp nên xuất xứ từ các dân tộc người Bách Việt còn người Hán chỉ tiếp nhận sau này.

Trong những ngày Tết, có rất nhiều phong tục tập quán xưa của cha ông ta được diễn ra như cúng Ông Táo, cúng Giao thừa, xông đất, mừng tuổi, nấu bánh chưng, muối dưa hành, tổ chức các trò chơi dân gian...

Dưới đây là một số chia sẻ về ý nghĩa các ngày Tết Nguyên Đán.

Cúng Táo Quân

Táo Quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa và Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được chuyển hóa thành sự tích hai ông một bà của người Việt là thần Đất, thần Nhà và thần Bếp Núc. Từ xa xưa, người dân Việt Nam đã thờ cúng Ông Táo với hi vọng Táo Quân sẽ giúp họ giữ "bếp lửa" của gia đình luôn nồng ấm, hạnh phúc.

Cúng Ông Táo là một ngày quan trọng của dịp Tết Nguyên Đán và có ý nghĩa đặc biệt đối với các gia đình. Táo Quân là vị thần cai quản mọi việc trong gia đình, quyết định may rủi, phúc họa của gia chủ, bên cạnh đó còn giữ gìn cho gia chủ không bị ma quỷ quấy rầy. Vì vậy, tục lệ này mang ý nghĩa cầu mong sự no ấm, bình an cho cả gia đình.

Tết Ông Táo

Tết Ông Táo

Vào ngày này, Ông Táo cưỡi cá chép sẽ bay về trời để tâu với Ngọc Hoàng những chuyện xảy ra với gia đình trong một năm vừa qua. Sau khi cúng lễ xong, các gia đình thường mang cá chép ra ao hoặc sông để thả với ngụ ý "cá chép hóa rồng" hay " cá vượt Vũ môn", mang ý nghĩa biểu tượng cho sự thăng hoa, tinh thần vượt khó, kiên trì bền bì tới thành công.

Cúng Giao thừa

Giao thừa là thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới. Trong thời khắc này, mọi người sẽ dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, trẻ nhỏ và người già sẽ được nhận lì xì như là lời chúc may mắn cho năm mới. Thời khắc này thì thường sẽ có bắn pháo hoa ở những địa điểm rộng rãi ngoài trời.

Mâm ngũ quả cúng Giao thừa

Mâm ngũ quả cúng Giao thừa

Cúng Giao thừa là lễ cúng để đem bỏ hết những điều xấu của năm cũ để đón nhận những điều tốt đẹp của năm mới. Lễ vật cúng Giao thừa thường là một mâm xôi gà và một mâm ngũ quả. Việc bày biện những loại quả nào là tùy thuộc vào phong tục của từng vùng nhưng cũng có một số loại hoa quả kiêng kỵ đặt trên bàn thờ.

Cúng Giao thừa được làm ở trong nhà và ngoài trời. Nhưng ngày nay thì các gia đình thường chỉ cúng ở bàn thờ Gia tiên vì không có sân hè rộng rãi.

Tiết Thanh minh

Tiết Thanh minh là một khái niệm trong công tác lập lịch của các nước phương Đông chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa cổ đại. Đây là một trong hai mươi tư tiết khí của các lịch Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam. Tiết Thanh minh rơi vào khoảng giữa tháng hai đến giữa tháng ba âm lịch, thường là mồng 3 tháng 3 âm lịch.

Ngày Tết Thanh minh có một tục lệ rất đẹp là các gia đình sẽ đi tảo mộ gia tiên và làm lễ cúng gia tiên sau cuộc tảo mộ. Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của gia tiên được sạch sẽ, đắp lại nấm mồ cho đầy đặn. Đây cũng là một dịp để con cháu thể hiện những lời cảm ơn hay, lòng biết ơn đối với ông bà tổ tiên và những người thân đã khuất.

Ý nghĩa về ngày Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán biểu hiện cho sự giao thoa giữa đất trời với con người và thần linh

Xét theo góc độ mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên thì Tết - do thời tiết thuận theo sự vận hành của vụ trũ, biểu hiện ở sự chu chuyển các mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông nên có một ý nghĩa đặc biệt đối với một xã hội mà nền kinh tế dựa vào nông nghiệp là chính.

Theo tín ngưỡng dân gian thì đây là dịp để người dân tưởng nhớ đến các vị thần có liên quan đến sựu được, mất của mùa màng như thần Đất, thần Sấm, thần Mưa, thần Nước, thần Mặt Trời...và những con vật, cỏ cây đã giúp nuôi sống họ, từ hạt lúa, hạt ngô đến các loại gia súc, gia cầm.

Tết Nguyên Đán là ngày gia đình đoàn tụ, sum vầy

Người Việt có tục lệ là mỗi khi Tết đến thì dù đi làm xa ở đâu thì đều trở về sum họp với gia đình trong 3 ngày Tết, khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, về bên mẹ cha và gia đình. Tết cũng là dịp để mở rộng mối quan hệ như xóm làng sẽ đi chúc nhau vào ngày đầu xuân năm mới, học sinh đến chúc mừng thầy cô giáo...

Gia đình sum vầy ngày Tết

Gia đình sum vầy ngày Tết

Tết cũng là ngày đoàn tụ với người đã mất. Từ ngày 30 Tết, các gia đình đã thắp hương kính mời ông bà tổ tiên và những người thân đã khuất về vui Tết cùng con cháu.

Tết Nguyên Đán là thời gian để làm mới mọi thứ

Vào những ngày trước Tết, các gia đình sẽ trang hoàng lại nhà cửa, dọn dẹp, sắm sửa với ý niệm tất cả đều tươm tất mới mẻ để đón một năm mới suôn sẻ hơn, nhiều may mắn hơn. Những ngày cuối năm cũ, mọi người sẽ cùng nhau ôn lại những chuyện cũ và hướng đến những điều tốt đẹp cho năm mới sắp sang.

Tết Nguyên Đán luôn là một nét đẹp văn hóa, là dịp lễ lớn trong phong tục tập quán của người Việt mà không thể xóa bỏ được. Ngày Tết có rất nhiều tập tục tốt đẹp cần được đời sau gìn giữ và phát huy để mãi lưu truyền nét văn hóa đặc sắc này của dân tộc.

Xem thêm: Những giỏ quà tết 2018 đẹp, đơn giản và ý nghĩa nhất

Hồng Quý