Giới thiệu một số loại bánh ngày Tểt truyền thông của cả ba miền

Giới thiệu một số loại bánh ngon ngày tết truyền thống của cả ba miền

Ẳm thực ngày Tết luôn là nét văn hóa đa dạng mang đậm dấu ấn của người Việt Nam. Bên cạnh mâm ngũ quả, kẹo mứt thì mỗi vùng miền lại có những loại bánh đặc sản mang phong vị truyền thống của quê hương bản xứ.

Và dưới đây loichuchaynhat.com xin được giới thiệu đến bạn đọc một số loại bánh ngon ngày tết đặc trưng của từng vùng miền nước ta.

1. Bánh Chưng

Trong xã hội hiện đại ngày nay dù rằng có nhiều truyền thống bị mai một, nhưng có một giá trị truyền thống vẫn được người Việt lưu giữ tới bây giờ đó là tục gói bánh Chưng vào ngày tết nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông tổ tiên và đất trời. Đó là nét đẹp không thể thiếu được vào mỗi dịp xuân về, mọi người cùng nhau bên nồi bánh chưng nghi ngút khói tỏa thể hiện sự sum vầy đoàn tụ.

Nguyên liệu để gói bánh Chưng bao gồm gạo nếp vo sạch ngâm ngập trong nước cùng một chút muối trong thời gian khoảng 12-14 giờ tùy loại gạo và tùy thời tiết, đỗ xanh đãi bỏ hết vỏ rồi giã nhuyễn rồi cho vào chõ đồ chín sau đó đánh thật đều mịn và chia ra theo từng nắm, thịt heo cắt thành từng miếng cỡ từ 2,5 đến 3 cm sau đó ướp với muối tiêu khoảng hai giờ cho thịt ngấm.

Khâu chuẩn bị nguyên liệu cho bánh Chưng đặc biệt quan trọng để bánh có thể bảo quản được lâu dài không ôi thiu hay bị mốc. Chú ý thịt không nên ướp nước mắm, vo nếp không sạch, đãi đậu không kỹ hay rửa lá còn bẩn, không lau khô lá trước khi gói đều có thể khiến thành phẩm chóng hỏng.

Tuy gọi là luộc song vì nước không tiếp xúc với vật liệu được luộc, nên là hình thức hấp hay chưng (chưng cách thủy), khiến giữ nguyên được chất ngọt của gạo, thịt, đậu. Cũng vì thời gian chưng lâu, khiến các chất như thịt, gạo đậu mềm, có đủ thời gian chan hòa quện ngấm vào nhau, trở thành hương vị tổng hợp độc đáo, cũng mang một triết lý sống chan hòa, hòa đồng của dân tộc ta. 

bánh Chưng ngày tết

Bánh Chưng ngày tết

2. Bánh Tổ

Ngày nay bánh mứt phong phú hơn, nhưng không vì thế chiếc bánh Tổ cổ truyền xứ Quảng bị quên lãng. Mặc dù chiếc bánh tổ khá đơn giản về hình thức và hương vị nhưng nó chứa đầy tình quê hương. Đây loại bánh không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên ngày Tết của nhiều gia đình của người dân xứ Quảng và người việt gốc Hoa.

Bánh Tổ được chế biến từ hai nguyên liệu chính là nếp và đường nâu. Nếp phải là loại ngon hạt mẩy, vo sạch phơi khô rồi giã hoặc xay thành bột mịn. Đường nâu sên kỹ với nước và ít gừng tươi rồi loại bỏ tạp chất. Nên chuẩn bị sẵn khuôn tre đan dưới lót lá chuối cho bột không bị chảy ra ngoài. Đổ hỗn hợp bột đường vào khuôn đem hấp chín. Bánh vừa ra lò rắc lớp mè rang lên mặt để mè dính đều đẹp và thơm.

Nguyên liệu lựa chọn không kỹ, bánh dễ khô cứng, ăn không ngon. Công đoạn quan trọng nhất là không cân lượng bột đường phải tính toán sao cho vừa đủ, bột đặc hay nhão quá là bánh không thành. Bánh không ăn ngay sau khi lm ra mà phải chờ ráo đem phơi một hai nắng cho đường đượm vào bột, vị ngọt mới đậm đà, màu bánh mới đẹp mắt và để hàng tháng trời không bị hỏng.

Bánh có thể cắt ra ăn khi còn mềm, nhưng thường sau khi cứng bánh đã bị khô cứng nên người ta thích ăn nướng hoặc chiên. Tuy đơn sơ mộc mạc nhưng chiếc bánh tổ luôn nằm ở vị trí trang trọng nhất trên bàn thờ của người Quảng và người Việt gốc Hoa mỗi dịp xuân về. Bánh Tổ không chỉ là món ăn ngon, mà còn chứa đựng ý nghĩa giáo dục truyền thống là nét đẹp văn hóa lâu đời, nhớ ơn tổ tiên ông bà.

bánh Tổ đặc sản ngày tết xứ quảng

Bánh Tổ đặc sản ngày tết xứ Quảng

3. Bánh Thuẫn

Bánh Thuẫn một loại bánh mang hương vị đặc trưng của người dân miền Trung trong dịp tết. Bánh có cái tên nghe rất lạ tai, cách làm bánh thuẫn không quá cầu kỳ, nguyên liệu dễ tìm nhưng rất thơm ngon, bổ dưỡng.

Nguyên liệu chính của món bánh này gồm bột mì, trứng và một chiếc khuôn bánh thường có 6 đến 8 chiếc bánh nhỏ bên trong làm bằng gang hoặc đồng. Một chén dầu được đặt bên cạnh, dùng cây cọ đập dập một đầu, nhúng vào chén dầu và trét vào các khuôn bánh.

Cách làm bánh khá đơn giản chỉ cần đặt khuôn bánh lên lò than, khi đã đủ nóng, múc bột đổ vào từng khuôn nhỏ. Khi đổ nên chú ý lượng bột không được đổ nhiều quá vì như thế bánh lâu chín. Nếu đổ ít quá bánh lại không đủ bột để nở bung và dễ cháy, chỉ nên đổ bột vừa ngang mép khuôn là được.

Sau khi đậy nắp bánh lại, nhớ canh than cháy đều cả bên dưới và bên trên nắp khuôn. Khi bánh bắt đầu dậy mùi thơm thì gắp bánh ra. Bánh Thuẫn đạt tiêu chuẩn phải nở bung như cánh hoa mai và có màu vàng ươm trên bề mặt, phần dưới bánh có màu vàng đậm. Muốn bánh Thuẫn bảo quản được lâu không bị mốc thì xếp lên nong và đem hong khô trên bếp nhỏ lửa để bánh săn lại và chất lượng hơn.

Ngoài việc dùng để cúng lễ trong ngày Tết, bánh Thuẫn còn dùng để đãi khách và được nhiều người ưa thích bởi mùi hương thơm đặc trưng khó cưỡng, vị lại không quá ngọt như những loại bánh khác.

Những chiếc bánh vàng ươm, nở bung như cánh hoa mai vàng làm cho mâm cỗ ngày Tết càng thêm phần phong phú và ý nghĩa hơn.Trong cái khí trời se lạnh ngày đầu năm, ngồi thưởng thức bánh Thuẫn bên những ấm trà nóng thì không còn gì hạnh phúc bằng.

bánh Thuẫn ngày tết

Bánh Thuẫn ngày tết

4. Bánh In

Bánh In phổ biến nhất ở Bình Định trong những ngày lễ, Tết, hầu như gia đình nào cũng có bánh in trên bàn thờ gia tiên. Cũng giống bánh khảo hay oản ở miền Bắc bánh In được làm từ gạo nếp xay mịn, sau đó mang đi phơi sương cho có độ ẩm thích hợp. Đường bát được nạo thành bột mịn, trộn đều vào bột bánh úp khuôn bánh lên nia bên dưới lót giấy hoặc lá chuối cho sạch để lấy bánh ra.

Để bánh được cứng hơn, có thể phơi một nắng, hoặc dùng than củi nướng qua một lần, bánh sẽ cứng hơn và có mùi thơm quyện của đường và nếp. Ngày nay người ta thường trộn thêm bột đậu xanh vào bột bánh hoặc loại bánh In chỉ làm hoàn toàn bằng bột đậu xanh đã được rang chín xay mịn, trộn với đường đã thắng keo lại.

Đậu xanh ngâm nở, nấu chín rồi xay nhuyễn, cho đường vào sên đến khi đậu ráo, trộn ít mứt bí cắt hạt lựu vào. Cho đường cát và nước lọc vào nồi nấu, đường kéo chỉ thì nhấc xuống để nguội, cho nước cốt chanh vào rồi dùng đũa khuấy cho đường đặc lại, thêm nước hoa bưởi vào trộn đều tạo mùi thơm. Đổ nước đường này vào trộn với bột bánh In, lăn đều cho đường bột quyện với nhau.

Cho bột vào khoảng 1/3 khuôn rồi cho nhân đậu xanh vào giữa, rải thêm một lớp bột bên trên, ấn chặt, lấy bánh ra khuôn, để khoảng 30 phút sau cho bánh cứng lại mới cắt miếng vừa ăn và từ đó tạo nên những chiếc bánh thơm ngon nhâm nhi với trà của mảnh đất miền Trung.

bánh In ngày tết

Bánh In ngày tết

5. Bánh Tét

Nếu như miền Bắc có bánh chưng thì đòn bánh Tét của người Nam Bộ mang nhiều ý nghĩa nhân sinh cao cả như vậy. Bánh được bọc nhiều lá dong hoặc lá chuối như biểu tượng người mẹ bọc con của mình. Không chỉ vậy, bánh Tét xanh nhân nhụy vàng gợi cho ta màu xanh của đồng quê, của đời sống chăn nuôi và mong ước của con người về một mùa xuân an bình cho mọi nhà. 

Có hai loại bánh tét phổ biến nhất của người miền Nam là: bánh Tét chay và bánh Tét mặn. Bánh chay để cúng ông bà, trời đất còn bánh mặn dùng trong bữa ăn kèm với củ kiệu, dưa chua, thịt kho tàu.

Nguyên liệu làm bánh gồm thịt lợn (thịt ba chỉ) và lá gói, gạo nếp, đậu xanh, thể hiện sự phồn thịnh trong cuộc sống. Còn lá xanh bọc ở ngoài và nhân ở trong ruột là tượng hình cha mẹ sinh thành yêu thương đùm bọc con cái. Chính vì thế trong dịp tết trên bàn thờ tổ tiên luôn có bánh Chưng hoặc bánh Tét.

Mặt khác, tên gọi bánh Tét có cách phát âm gần giống với từ “Tết” nên người ta cho rằng bánh Tét là bánh Tết được đọc lái đi theo cách ăn loại bánh này. Với ý nghĩ sâu sắc đề cao sức lao động của con người, sự hòa hợp của trời đất, của con người với thiên nhiên, hướng về nguồn gốc tổ tiên như thế mà thiếu những chiếc bánh đó trên bàn thờ tổ tiên vào dịp Tết thì thật nhạt nhẽo, mất hẳn hương vị, ý nghĩa của Tết.

bánh Tét trong ngày tết của người miền nam

Bánh Tét trong ngày tết của người miền Nam


Còn rất nhiều loại bánh mang dấu ấn và hương vị riêng của từng nơi nhưng điểm chung duy nhất của hầu hết các loại bánh là nguyên liệu đều là những thứ rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam. Mong rằng bài viết này sẽ giúp bạn đọc sẽ có thêm những hiểu biết về các loại bánh cổ truyền của từng vùng miền nước ta.

Loichuchaynhat.com