Món ngon Tây Bắc - Giới thiệu cách làm các món ăn Tây Bắc

Món ngon Tây Bắc - Giới thiệu cách làm các món ăn Tây Bắc

Tây Bắc không chỉ nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất mà còn nổi tiếng với những món ăn ngon hấp dẫn không thể cưỡng lại đối với khách du lịch khi đến đây. Khi nhắc đến những món ngon Tây Bắc thật thiếu sót nếu không kể đến chẩm chéo, thịt trâu gác bếp Điện Biên, lợn cắp nách Lai Châu, xôi Tú Lệ ngũ sắc, cơm lam, xôi trứng kiến đen Mù Cang Chải... Các bạn cũng có thể thưởng thức các món ngon Tây Bắc tại nhà bằng chính tài nấu nướng của mình. Chúng tôi xin được chia sẻ với các bạn cách làm một số món ngon Tây Bắc sau đây.

Xôi ngũ sắc - nét đặc trưng của ẩm thực vùng Tây Bắc

Khi nhắc đến đặc trưng ẩm thực Tây Bắc, phải kể đến món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, hội hè chính là xôi nếp ngũ sắc. Những ai đã được thưởng thức món xôi dẻo thơm, béo ngậy do chính tay người Thái làm thì sẽ không thẻ quên được mùi vị của món xôi đẹp mắt, hấp dẫn này. Sau đây là công thức làm xôi ngũ sắc để các bạn có thể tự tay làm ở nhà.

Nguyên liệu cần có

+ 2kg gạo nếp mới (nếu là nếp cái hoa vàng hoặc nếp Tú Lệ thì đặc biệt ngon)

+ Gấc chín: 1 quả (tạo màu đỏ)

+ Lá cẩm (nên chọn lá già) hoặc bắp cải tím: 300g (tạo màu tím)

+ Lá nếp: 500g (tạo màu xanh)

+ Nghệ tươi hoặc bột nghệ: 100g (tạo màu vàng)

+ Nước cốt dừa: 500ml

+ Dừa tươi nạo: 100g

+ Đường trắng, muối

Xôi ngũ sắc vùng Tây Bắc

Xôi ngũ sắc vùng Tây Bắc

Cách làm món xôi ngũ sắc ngon chuẩn vị Tây Bắc

Bước 1: Ngâm gạo. Gạo nếp vo sạch rồi ngâm với nước ấm. Thời gian ngâm là khoảng 4 đến 5 tiếng. Sau khi ngâm xong thì chia ra 5 bát tô lớn để ngâm tiếp với nước màu.

Bước 2: Cách làm nước màu ngũ sắc

+ Đối với màu đỏ: Bổ đôi quả gấc, lầy hết thịt và hạt ra bát, cho thêm chút đường, muối, dầu ăn hoặc rượu trắng, sau đó lấy thìa chạt hết phần thịt gấc hoăcj dùng tay đeo nilon bóp hết phần thịt ra.

+ Đối với màu xanh: Lá nếp rửa sạch, dùng dao thái nhỏ, cho vào máy xay rồi xay nhuyễn. Cho thêm 400ml nước vào, khuấy đều rồi lọc lấy nước xanh, bỏ bã. Các bạn có thể dùng rây hoặc vải lọc để lấy phần nước.

+ Đối với màu vàng: Nếu là nghệ tươi thì cạo vỏ, giã nát, sau đó cho vào bát nước hòa cho có màu vàng rồi lọc lấy nước. Nếu là bột nghệ thì chỉ cần hoàn tan vào nước.

+ Đối với màu tím: Lá cẩm rửa sạch, cắt khúc, cho vào luộc trong 10 đến 15 phút. Sau đó vớt bỏ lá, lấy phần nước để tạo màu tím.

Bước 3: Sau khi đã sơ chế xong phần nước màu, bạn lần lượt để các loại nước vào các bát nếp trước đó và ngâm thêm khoảng 4 tiếng nữa. Đối với xôi trắng và xôi đỏ nấu bằng gấc thì chỉ ngâm nước lọc.

Bước 4: Cách đồ xôi

Sau khi ngâm xong, vớt gạo ra các bát khác nhau. Cho vào mỗi bát 1 thìa nước cốt dừa, 1/2 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê đường trắng và trộn đều để gạo nếp được đậm vị. Đối với xôi đỏ thì trộn xôi với gấc ngay bước này.

Tiếp theo, bạn cho nước vào nồi hấp, đun sôi rồi cho từng loại nếp vào hấp. Nếu muốn hấp các loại cùng nhau, bạn có thể sử dụng mẹo vặt hữu ích nhất là dùng lá chuối ngăn cách để nếp không bị lẫn màu. Trong quá trình nấu nếu thấy xôi bị khô, các bạn có thể rưới thêm chút nước hoặc nước cốt dừa sẽ làm xôi có vị béo ngậy hơn.

Đến khi xôi chín, hạt xôi mềm dẻo là đã đạt yêu cầu. Bạn đơm xôi ra đĩa hoặc đóng vào khuôn và trang trí thùy theo ý thích. Rải một lớp dừa nạo lên trên để thưởng thức.

Vậy là các bạn đã có thể thưởng thức món xôi ngũ sắc hấp dẫn này rồi. Tuy có khá nhiều công đoạn nhưng không quá khó đúng không nào. Chúc bạn thành công.

Thịt trâu gác bếp - đặc sản của người vùng cao

Nhắc đến Tây Bắc, không thể không nhắc đến thịt trâu gác bếp, một món ăn được rất nhiều du khách ưa thích khi đặt chân đến vùng đất này. Miếng thịt trâu phơi khô, thơm lừng trên những nóc bếp của người dân vùng cao là một ấn tượng không thể quên đối với những ai đã từng đặt chân đến mảnh đất này. Thịt trâu gác bếp thường được du khách mua về làm quà cho người thân, trở thành một món quả dân dã rất đặc biệt.

Món ngon miền Tây Bắc này tưởng chừng như khó làm tại nhà nhưng thực ra lại rất đơn giản chỉ với công thức sau đây thôi.

Nguyên liệu làm thịt trâu gác bếp

+ 3kg thịt trâu, chọn phần mông, thăn, bắp sẽ ngon hơn

+ Gia vị: muối, mì chính, ớt khô, tỏi, hạt mắc khén (loại hạt này các bạn có thể mua ở các cửa hàng bán online)

Cách làm thịt trâu gác bếp

Bước 1: Thị trâu lọc hết gân, bèo nhèo để lúc hoàn thành dễ xé hơn. Rửa sạch thịt, để ráo rồi thái dọc thớ.

Bước 2: Hạt mắc khén, tỏi, ớt khô giã nhỏ sau đó ướp thịt trâu cùng với mì chính và muối tùy theo khẩu vị của gia đình. Ướp gia vị trong vòng 1 đến 2 tiếng.

Rửa sạch que xiên, xiên thịt lại cẩn thận và gác lên bếp để hun khói

Bước 3: Hun thịt. Để thịt có mùi thơm, các bạn nên dùng than củi cùng bã mía hoặc vỏ quýt để hun. Khi đốt có than rồi mới treo thịt để tránh bám bụi. Treo thịt cách than 1m để tránh bị khô nhanh và thịt không bị dính bụi.

Hun thịt liên tục từ 12h đến 15h đến khi thịt có màu đỏ đẹp và mùi thơm đặc trưng.

Thịt trâu gác bếp vùng Tây Bắc

Thịt trâu gác bếp vùng Tây Bắc

Cách dùng thịt trâu

Thịt trâu gác bếp thường được xé nhỏ ra, chấm với chẩm chéo hoặc tương ớt. Bạn cũng có thể mang chế biến thành các món ăn khác.

Tuy là khá mất thời gian nhưng để có thể thưởng thức món ngon Tây Bắc do mình làm thì rất đáng phải không nào. Chúc bạn thành công với công thức này nhé.

Cơm lam Tây Bắc - Tinh túy của núi rừng

Đặt chân đến bản Lác, Mai Châu, Hòa Bình thì mùi hương tỏa ra từ những ống cơm lam được bán trên những con đường luôn thu hút được sự chú ý của các du khách. Hương vị nồng nàn ấy được kết tinh từ hương vị của núi rừng và đôi bàn tay khéo léo của người dân tộc Thái nơi đây. Món cơm lam không chỉ là món cơm bình thường mà còn là sự sáng tạo của bà con dân tộc và là sự tinh túy đến từ miền sơn cước.

Không cần phải đến tận nơi, bạn cũng có thể tự mình làm cơm lam - món ăn ngon vùng Tây Bắc tại nhà với công thức cực kì đơn giản.

Nguyên liệu làm cơm lam

+ 1 kg gạo nếp ngon

+ 7 ống tre hoặc nứa

+ 1 củ gừng nhỏ

+ Muối ăn

Cách làm món cơm lam thơm ngon

Bước 1: Gạo nếp vo sạch, ngâm khoảng 6 đến 8 tiếng, sau đó vớt ra rửa sạch và để ráo nước. Gạo nếp nấu cơm lam là gạo nếp cái hoa vàng, hạt mẩy, tròn, trắng sữa và có mùi thơm.

Bước 2: Gừng giã nhỏ. Lá chuối rửa sạch cắt vuông hoặc cắt bản to bằng bàn tay.

Bước 3: Ống tre (nứa) rửa sạch. Chọn ống nứa tươi, vỏ ngoài xanh đậm, chặt dài khoảng 30 cm.

Trộn đều gạo, gừng giã và muối rồi vào ống nứa, cho nước ngập gạo. mặt gạo trong ống cách miệng ống một đoạn tầm 10 cm để khi gạo chín sẽ nở đầy miệng ống.  Dùng lá chuối đậy kín miệng ống rồi trên lửa. Xoay tròn ống liên tục để cơm được chín đều.

Cách nấu cơm lam của người dân tộc Thái

Cách nấu cơm lam của người dân tộc Thái

Khi thấy hơi nước bốc ra từ miệng nắp và có mùi thơm là cơm đã chín. Chẻ lớp vỏ bên ngoài, để lại một lớp lạt mỏng, khi ăn thì bóc vỏ và chấm với muối vừng sẽ chuẩn vị Tây Bắc.

Chúng tôi hi vọng, với những công thức làm các món ăn ngon ở Tây Bắc ở trên sẽ giúp các bạn có thể trổ tài nấu nướng của mình và chia sẻ với mọi người trong gia đình, cảm nhận được hương vị vùng cao ngay trong chính căn nhà của bạn.

Lời chúc hay nhất gửi đến bạn lời cảm ơn hay đã quan tâm bài viết chia sẻ của chúng tôi hôm nay, chúc các bạn ngon miệng!

Xem thêm: Những món ngon từ thịt ba chỉ cho bữa ăn thêm phong phú

Hồng Quý